-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Có phải lúc nào khách hàng cũng là thượng đế?
27/10/2021 Đăng bởi: Nguyễn Khánh Hưng
Thứ Sáu, 18 Tháng Tám 2017 | 11:49 SA
Tôi đã từng thấy rất nhiều nơi với khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế”, cũng đã từng là người bán hàng và từng là người đi mua hàng. Các công ty luôn đề cao sự hài lòng của khách hàng và lấy đó là nền tảng của sự phát triển, bởi khách hàng là người trả tiền cho doanh nghiệp, với chi tiêu của họ chúng ta có thu nhập để nuôi sống bản thân và trả lương cho nhân viên... Vậy nên cái lối suy nghĩ mình là người bỏ tiền ra, mình có quyền được yêu cầu và phục vụ đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người.
Hôm nọ có một đôi vợ chồng ăn mặc sang trọng đi ô tô đến showroom công ty chúng tôi để hỏi mua sản phẩm sen vòi. Một dãy sản phẩm cao cấp được trưng bày, ông khách vừa sờ sờ vào đã buông ngay câu “Hàng Trung quốc à?” mà không cần biết đâu là loại hàng tốt, hàng xấu. Ngại nhất là những người chưa hiểu rõ về sản phẩm nhưng luôn cho rằng mình biết hết, cũng không muốn nghe lời tư vấn từ người trong ngành.
Nhìn thấy trường hợp này tôi chợt nhớ đến vài vụ việc đã từng nổi đình đám trước đây. Trong một nhà hàng giữa trung tâm Sài Gòn, trong phòng kín lắp máy lạnh, mặc cho có trẻ con ở bàn bên cạnh, đám khách khoảng 4 người vẫn phì phèo hút thuốc. Khói thuốc khiến các thực khách khác nhăn mặt, trẻ con ho sặc sụa. Phục vụ không dám lên tiếng, có lẽ họ ngại nhắc nhở sẽ làm phiền bữa ăn của các "thượng đế". Và cuối cùng những "thượng đế" khác cũng bỏ ra số tiền tương đương kia, lại đang bị làm phiền bởi khói thuốc.
Dẫu luôn biết rằng nhiệm vụ chính của người bán hàng là phải phục vụ khách hàng chu đáo, nhiệt tình với tất cả khách hàng nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng trong số đó, luôn có những khách hàng luôn gây ra rắc rối cho doanh nghiệp dù doanh nghiệp đã cố gắng hết mình.
Sếp của tôi đã từng rất khó chịu về trường hợp ông khách tôi đã kể trên, khi mà tất cả các sản phẩm của công ty đều là tâm huyết, nỗ lực, nghiên cứu của toàn thể công ty, vậy mà chưa gì đã bị đánh đồng với những sản phẩm không chất lượng bởi một người không hề có chút kinh nghiệm trong nghề và không có chút tôn trọng nhà sản xuất. Chúng tôi luôn đề cao lợi ích của khách hàng và luôn coi trọng lời hứa với khách hàng. Tuy nhiên, người xưa thường có câu “Yêu thương cần và nên xuất phát từ hai phía”. Phải chăng tất cả chúng ta, cả khách hàng và doanh nghiệp nên cùng tìm hiểu để cảm thông và chia sẻ với doanh nghiệp- nơi mà thường nhận được nhiều lời phàn nàn hơn là động viên và khuyến khích.
Một trong những nguyên nhân khiến cho việc phục vụ khách hàng trở nên khó khăn đó là quá trình giao dịch bị thiếu đi sự tin tưởng từ phía khách hàng. Đối với những sản phẩm tiêu dùng, nhiều khi khách hàng có thể dễ dàng phân biệt được đâu là sản phẩm tốt, đâu là sản phẩm chất lượng. Còn những dòng sản phẩm đặc thù mà tiêu biểu như vật tư ngành nước, trừ khi là người trong nghề hoặc buôn bán lâu năm, không thì sẽ rất khó phân biệt được sản phẩm loại nào với loại nào. Điều khó hiểu hơn là nhiều khi chúng tôi gặp những vị khách không biết nhiều về lĩnh vực vật tư ngành nước này, nhưng khi chúng tôi tư vấn thì lại tỏ vẻ không hề tin tưởng lời chúng tôi nói. Nếu không vì cái tâm trong nghề thì chúng tôi có thể sẵn sàng từ chối phục vụ những khách như thế. Vậy nên để tránh sự khó xử như thế, hoặc là khách hàng hãy tìm hiểu thông tin về các sản phẩm mình cần mua trước khi đến cửa hàng hoặc là hãy tin tưởng và tham khảo sự tư vấn của người bán, bởi là người kinh doanh, ai cũng mong muốn khách hàng hài lòng nhất sau khi mua sản phẩm của mình.
Trước đây đã có rất nhiều câu chuyện làm gương về sự cố giữa khách hàng và doanh nghiệp, và cũng không ít những câu chuyện để lại hậu quả nghiêm trọng. Đúng là người bán rất cần khách, vì họ sống được là bằng nghề ấy. Nhưng không phải cứ "thượng đế" là thích tung hoành thế nào cũng được.